Bán cát Việt ra nước ngoài Cát tặc và sự kiện bán cát Việt ra nước ngoài 2017

Số lượng

Theo báo Tuổi Trẻ, từ ngày 1-1 đến 23-2-2017 có tổng cộng 40 tàu đến chở cát đi Singapore với tổng khối lượng hơn 905.000m3. Trong đó, Công ty Đức Long xuất nhiều nhất với 19 tàu với khối lượng 603.780m3. Công ty Cái Mép xuất 16 tàu, khối lượng 369.000m3. Còn lại hai công ty Bình Minh Vàng Vina và Sài Gòn - Hà Nội chỉ mới xuất được 5 tàu.[4]

Các địa điểm bốc cát ở Việt Nam là đảo Phú Quốc, vịnh Cam Ranh, Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, còn các điểm đến là đảo Tekong và khu Changi Villa nằm cạnh sân bay quốc tế Changi. Theo một doanh nghiệp nhập khẩu cát của Singapore, chính phủ nước này triển khai dự án lấn biển cả chục năm rồi nhằm tăng diện tích đảo Tekong từ 657ha lên 3.310ha. Tổng chi phí san lấp lên đến gần 6,5 tỉ USD.[4]

Khai man giá cả

  • Theo báo Tuổi Trẻ, Công ty Đức Long (trụ sở ở Bà Rịa - Vũng Tàu) ký hợp đồng bán cát khai thác tại Phú Quốc từ năm 2014 đến nay với Công ty Singapore Hua Kai Engineering, có lần bán với giá 4,6 USD/m3 (2014), nhưng chỉ khai báo hải quan với giá là 1,3 USD/m3.[9]
  • Cả Công ty cổ phần Khai thác sản xuất khoáng sản 55, tận thu cát nhiễm mặn từ dự án nạo vét cửa biển Tư Dung - Tư Hiền tại tỉnh Thừa Thiên - Huế để xuất khẩu với khối lượng 1,1 triệu m3 sang Singapore, cũng chỉ khai đơn giá 1 USD/m3 tại Hải quan.[10]
  • Về câu hỏi, vì sao hải quan các tỉnh đều chấp nhận giá xuất khẩu cát mà DN kê khai dưới giá tham chiếu 2 USD/m3 mà Tổng cục Hải quan đã xác định, ông Trần Đức Hùng (phó chánh văn phòng Tổng cục Hải quan) giải thích mức giá tham chiếu cát nhiễm mặn (2 USD/m3) là cơ sở để cơ quan hải quan so sánh, đối chiếu, kiểm tra trị giá khai báo, không được dùng để áp đặt trị giá hải quan. Còn trong quá trình kiểm tra sau thông quan, nếu phát hiện hồ sơ mâu thuẫn, trị giá khai báo không đúng với giá trị giao dịch sẽ ấn định trị giá tính thuế, ấn định thuế và xử lý vi phạm.[11]

Xuất khẩu cát trắng

Đại diện tỉnh Quảng Nam trong cuộc họp về tình hình khai thác cát trái phép chiều 7-3 cho biết tỉnh đã cấm xuất khẩu cát trắng, một loại cát hữu hạn và không tái tạo, từ năm 2010, nhưng các tỉnh khác lại không cấm, do đó họ đến Quảng Nam mua rồi về tỉnh khác xuất đi nước ngoài.[12]

Kiên Giang đề nghị dừng xuất khẩu cát Phú Quốc

Phát biểu tại cuộc họp cuộc họp về tình hình khai thác cát trái phép chiều 7-3 do Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn cho biết ở địa phương ông không có cát tặc mà chỉ có một dự án nạo vét quân cảng Vùng 5 hải quân tại thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc và đề nghị dừng hẳn xuất khẩu. Quá trình thực hiện dự án này có một số vấn đề như: khi lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án nạo vét chưa lấy ý kiến tham vấn cộng đồng; chưa có ý kiến của Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Kiên Giang trước khi phê duyệt và sau khi phê duyệt cũng không gửi để sở phối hợp kiểm tra, giám sát...[13] Trước đó ngày 6.1.2017, Bộ Xây dựng gia hạn cho công ty Đức Long xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu trong dự án nói trên với khối lượng tối đa 826.220m3 cho tới 30/6/2017. Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết, nhiều dự án hạ tầng, du lịch ở Phú Quốc cần san lấp mặt bằng với khối lượng rất lớn mà nguồn tại chỗ không đủ, phải mua từ đất liền chở ra với chi phí rất đắt đỏ.[14]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cát tặc và sự kiện bán cát Việt ra nước ngoài 2017 http://www.nguoi-viet.com/viet-nam/mafia-kiem-soat... http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ong-truong-tr... http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/cua-dai-quang... http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/cat-tac-long-... http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/rut-ruot-tai-... http://thanhnien.vn/thoi-su/khai-thac-cat-tan-pha-... http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/tieu-diem/20170508/n... http://tuoitre.vn/tin/can-biet/20170503/khai-thac-... http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20170302/ca... http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20170302/du...